Vi khuẩn HP là một loại vi khuẩn duy nhất có thể sinh sống trong môi trường dạ dày. Chúng có thể cư trú dưới lớp niêm mạc dạ dày, tiết ra những chất độc hại làm tổn thương dạ dày, hình thành các vết viêm loét mạn tính. Theo thời gian, nếu không xử trí và tiêu diệt hoàn toàn loại vi khuẩn này, chúng sẽ tồn tại trong cơ thể, lây lan sang những người xung quanh và làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Vi khuẩn HP còn được tìm thấy ở trong khoang miệng, mảng bám cao răng, nước bọt của người bệnh. Chính vì thế, vi khuẩn này có thể lây truyền từ người này sang người khác qua thói quen ăn uống hàng ngày như:
- Ăn chung thìa, đũa, bát, mớm cơm cho trẻ
- Ăn chung bát nước chấm
- Uống chung chén rượu, cốc bia
Ngoài ra, vi khuẩn HP còn có thể lây lan theo những con đường khác nhau như:
- Phân – miệng: Vi khuẩn HP có ở trong phân của người bệnh nên có thể lây nhiễm ra môi trường khi vệ sinh tay không sạch sẽ sau khi đi vệ sinh hoặc qua các vật trung gian khác như ruồi, gián, chuột nếu thức ăn không được che đậy kỹ.
- Dạ dày – dạ dày: Nếu nội soi dạ dày tại các cơ sở y tế không đảm bảo, dụng cụ nội soi không được vệ sinh sạch sẽ sẽ mang mầm bệnh sang người lành.
Với những lý do nêu trên mà có tới 70% dân số nhiễm loại vi khuẩn này. Vi khuẩn HP có thể điều trị được bằng sự kết hợp nhiều loại thuốc với nhau. Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc còn phụ thuộc vào thời gian sử dụng và sự kiên trì của người bệnh, mức độ bệnh cụ thể. Nhiều trường hợp người bệnh bị nhờn thuốc dẫn tới không điều trị triệt để được vi khuẩn HP.
Ngoài vi khuẩn HP còn có nhiều yếu tố khác thúc đẩy sự hình thành và phát triển của khối u trong dạ dày.
- Mắc các bệnh ở dạ dày như viêm loét dạ dày mạn tính
- Có chế độ ăn uống không khoa học: ăn những thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ, thực phẩm cay nóng, lên men
- Nghiện rượu bia, thuốc lá
- Có tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày
Nếu có các yếu tố nguy cơ mắc ung thư dạ dày nêu trên, bạn cần phải chủ động tầm soát bệnh càng sớm càng tốt. Ung thư dạ dày nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tỷ lệ sống sẽ cao hơn việc phát hiện và chữa trị ở giai đoạn muộn.