Tràn dịch màng phổi có nguy hiểm không?
Màng phổi gồm lá thành và lá tạng, giữa hai lá là khoảng trống. Bình thường, trong khoảng trống có một ít dịch sinh lý để làm bôi trơn khi phổi hoạt động để chúng hoạt động nhịp nhàng.
Tràn dịch màng phổi có nguy hiểm không? Thực chất, tràn dịch màng phổi là triệu chứng hoặc biến chứng của nhiều bệnh khác nhau.Nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi và Một số bệnh lý có liên quan đến tràn dịch màng phổi là:
- U phổi, ung thư phổi: ung thư phổi có thể gây dịch tích tụ trong khoang bao quanh phổi. Tràn dịch màng phổi có thể gây lây lan bệnh ung thư đến ngoài phổi. Chất lỏng tích tụ trong lồng ngực có thể gây khó thở cho người bệnh
- Áp xe dưới cơ hoành
- Áp xe gan
- Xơ gan cổ trướng
- Viêm tụy tạng
- Viêm màng ngoài tim
- Suy tim sung huyết
- Chấn thương lồng ngực
- Thấp khớp mãn tính
- Lao phổi
- Luput ban đỏ
Mọi lứa tuổi đều có thể bị tràn dịch màng phổi nhưng với người già, tình trạng tràn dịch màng phổi diễn ra phức tạp, nặng nề và có những biến chứng phức tạp hơn.
Bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi có thể gặp nhiều biểu hiện như:
- Đau tức ngực: là một trong những triệu chứng điển hình nhất. Đau thường kéo dài và âm ỉ ở phía bên tràn dịch
- Khó thở
- Ho, ho kéo dài, ho ra máu: thường xuất phát từ ung thư phổi, viêm phổi nặng
- Sốt cao…
Hậu quả của tràn dịch màng phổi ảnh hưởng rất lớn đến hô hấp gây thiếu dưỡng khí và để lại nhiều di chứng, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Viêm kết dính màng phổi đơn thuần hay viêm dày màng phổi, vôi hóa màng phổi là những di chứng phổ biến.
Điều trị tràn dịch màng phổi như thế nào?

Ngay khi thấy triệu chứng bất thường liên quan đến tràn dịch màng phổi như đau tức ngực, ho dài ngày… bạn cần đến bệnh viện để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh
Có nhiều nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi và việc điều trị bệnh cũng tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ dùng kim và ống chích chọc dò khoang màng phổi, lấy nước trong khoang màng phổi mang đi xét nghiệm tìm vi trùng, tế bào ác tính và xét nghiệm sinh hóa… để tìm nguyên nhân và bản chất của dịch khoang màng phổi. Để chẩn đoán xác định tràn dịch màng phổi, chụp X quang phổi, cắt lớp vi tính CT, cộng hưởng từ MRI, siêu âm màng phổi… là những phương pháp phổ biến.
Điều trị bệnh chủ yếu là chọc hút, dẫn lưu khoang màng phổi và điều trị nguyên nhân như nhiễm trùng, suy tim… Với người bị tràn dịch với số lượng nhiều gây đau tức ngực và khó thở thì phải chọc hút khoang màng phổi với kim lớn. Dịch hút ra có khi đến 1000 – 2000 ml.
Để phòng biến chứng tràn dịch màng phổi, bạn cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý dừng thuốc sớm và phải kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học.